Tình trạng thiếu lao động ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ngày càng nghiêm trọng bởi tỷ lệ số nhân sự cần tuyển với số đơn xin việc ở Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã lên mức cao nhất trong 43 năm, cho thấy tình trạng thiếu lao động ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ngày càng nghiêm trọng.
Tờ Financial Times dẫn số liệu từ Chính phủ Nhật cho thấy tỷ lệ trên đã tăng thêm 0,01 điểm lên mức 1,49 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/1974, phản ánh rõ nét tình trạng chật vật tìm nhân sự của các công ty Nhật trong bối cảnh nguồn lao động lão hóa và co hẹp.
Dữ liệu trên bao gồm tất cả các công việc trong nền kinh tế Nhật, cả lâu dài và tạm thời.
Các thống kê mới công bố cũng cho thấy nền kinh tế đất nước mặt trời mọc đang tăng trưởng đều đặn và hoạt động gần hết công suất. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy áp lực lạm phát gia tăng, đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ khó đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
“Đã không thể đẩy kỳ vọng lạm phát lên, BoJ giờ đây còn gặp khó trong việc chứng minh lập luận của họ rằng sự khan hiếm lao động sẽ dẫn tới việc tiền lương tăng và giá cả tăng nhanh hơn”, ông Yasunari Ueno, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Mizuho Securities ở Tokyo, nhận định.
Sau cột mốc được thiết lập vào tháng trước là tỷ lệ số công việc so với số đơn xin vượt mức đỉnh thiết lập vào thời kỳ bong bóng kinh tế của thập niên 1990, tỷ lệ này chuẩn bị thiết lập thêm một dấu mốc mới. Đó là tỷ lệ số công việc so với số đơn xin đối với những công việc thường xuyên, toàn thời gian đã lên mức 0,99.
Điều này đồng nghĩa với việc chẳng mấy chốc sẽ có một công việc toàn thời gian với các chế độ và sự đảm bảo việc làm dành cho mỗi người xin việc. Đây là một sự thay đổi lớn trên thị trường lao động ở Nhật, nơi xu hướng trong mấy thập kỷ qua là sự gia tăng đều đặn của những công việc bán thời gian và thiếu sự đảm bảo trong khi những công việc trọn đời ngày càng ít đi.
Số việc làm lâu dài gia tăng cho thấy các công ty Nhật đang phản ứng với tình trạng thiếu lao động bằng cách cải thiện điều kiện cho người lao động thay vì tăng lương.
Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của Nhật bất ngờ tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước, lên 3,1% từ 2,8%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng phản ánh việc lực lượng lao động của Nhật tăng thêm 220.000 người, trong khi số người có việc làm giảm 30.000 người.
Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays nói rằng dữ liệu này cho thấy số người Nhật tham gia vào lực lượng lao động gia tăng, trong khi số người tự nguyện nghỉ việc cũng tăng, có thể để tìm công việc tốt hơn. “Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong tháng 5 không hẳn là một diễn biến bất lợi”, báo cáo của Barclays có đoạn viết.
Giá tiêu dùng ở Nhật trong tháng 5 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức lạm phát của tháng 4. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, không thay đổi so với cách đây 1 năm, đồng nghĩa với việc động lực tăng giá các hàng hóa và dịch vụ trong nước của Nhật gần như là không có.
Sản lượng công nghiệp tháng 5 của Nhật giảm 3,3% so với tháng trước, nhưng đã tăng mạnh trong tháng 4, và xu hướng chung cho thấy sự tăng trưởng sản lượng công nghiệp vững vàng trong quý 2 bởi xuất khẩu của Nhật tăng.
“Các dữ liệu của ngày hôm nay cho thấy nền kinh tế Nhật tiếp tục hồi phục trong quý 2”, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản Marcel Thieliant của công ty Capital Economics ở Singapore nhận xét. “Nhưng với áp lực giá cả còn yếu, mục tiêu lạm phát 2% của BoJ vẫn nằm ngoài tầm với”.